Thông báo - Mời họp
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Cơ hội rộng mở cho nhà đầu tư
gày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là cơ hội lớn để tỉnh Sơn La thu hút đầu tư phát triển du lịch Mộc Châu, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La phát triển. Phóng viên Tạp chí Vietnam Business Forum có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Quốc Khánh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La. Ngô Khuyến thực hiện.

Ông đánh giá thế nào về tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Sơn La thời gian qua?

Cho đến cuối năm 2014, tỉnh Sơn La đã cấp phép và giấy chứng nhận đầu tư cho 199 dự án với tổng vốn đăng ký 27 nghìn tỷ đồng, trong đó 191 dự án vốn đầu tư trong nước. Tổng vốn thực hiện đến nay khoảng 20 nghìn tỷ đồng, chủ yếu tại các dự án thủy điện vừa và nhỏ, khai khoáng, vật liệu xây dựng và một số lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ và du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 147,250 triệu USD, lớn nhất là dự án thăm dò, khai thác mỏ Nickel Bản Phúc (huyện Bắc Yên) với số vốn 136 triệu USD, còn lại là dự án quy mô dưới 4 triệu USD, thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, như: trồng và chế biến chè, rau quả của nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan…

Có thể thấy, các dự án đầu tư đã góp phần giải quyết khó khăn về vốn, kỹ thuật, thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề dịch vụ, giải quyết việc làm, tạo sản phẩm và nguồn thu đáng kể. Các dự án trong lĩnh vực công nghiệp đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương. Dự án nông, lâm nghiệp tuy số vốn không lớn nhưng đã góp phần vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: chè xuất khẩu, sản xuất rau, hoa chất lượng cao…Song hoạt động thu hút đầu tư vẫn bộc lộ một số hạn chế như: số dự án đầu tư nước ngoài ít, quy mô khiêm tốn, thị trường tiêu thụ còn hạn chế; hàng hóa và dịch vụ còn đơn giản, mẫu mã chất lượng thấp, sức cạnh tranh chưa cao. Mặt khác, các dự án này có trình độ sản xuất kinh doanh và quản lý còn ở mức thấp, chưa tạo động lực đủ lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh đang triển khai Kế hoạch này ra sao, thưa ông?

Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, ngày 29/4/2014, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Sơn La (Quyết định 991/QĐ-UBND). Kế hoạch đề ra mục tiêu tổng thể: Kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào hệ thống giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thông tin trong các ngành, lĩnh vực; thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo… 

Trên cơ sở đó, tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố quán triệt Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tỉnh cũng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời phát hiện văn bản có quy định trái pháp luật, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Sơn La cũng đẩy mạnh rà soát thủ tục hành chính liên quan đến các chỉ PCI để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết. Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động, bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực, trách nhiệm trong việc hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính bảo đảm đúng tiến độ theo quy định. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong từng ngành, lĩnh vực, tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia….

 

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện tại đơn vị để nâng cao từng chỉ số thành phần. Trong kế hoạch cần phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các đơn vị trực thuộc sở, ban ngành, huyện, thành phố để có cơ sở kiểm tra và tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện cuối năm. Định kỳ đánh giá, báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Việc thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả công tác của các sở, ban, ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngày 12/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2050/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ hội lớn để tính Sơn La thu hút đầu tư thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Vậy đâu là những cơ hội của nhà đầu tư, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định rằng Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được thông qua thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương đối với sự phát triển du lịch tỉnh Sơn La và hai huyện Mộc Châu - Vân Hồ. Mục tiêu phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu là trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và của vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ với hệ thống sản phẩm đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, sức cạnh tranh cao gắn với cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Các chỉ tiêu phát triển đặt ra: đến năm 2020 đón trên 1,2 triệu lượt khách (10 nghìn khách quốc tế), năm 2030 đón 3 triệu lượt khách (50 nghìn khách quốc tế) với tổng thu từ khách du lịch đạt 1.500 tỷ đồng vào năm 2020 và 6.000 tỷ đồng vào năm 2030; giải quyết việc làm cho 10 nghìn lao động vào năm 2020 và 30 nghìn lao động vào năm 2030…

Quy hoạch cũng đưa ra các định hướng phát triển chủ yếu gồm: Phát triển thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; hình thành các trung tâm phát triển du lịch; phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đầu tư phát triển du lịch…Về giải pháp thực hiện, Quy hoạch cũng đã nêu rõ cần: hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển; tăng cường tuyên truyền, xúc tiến quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch…

Trên cơ sở tiềm năng sẵn có, qua đánh giá các lĩnh vực ngành nghề thế mạnh, tỉnh đã đưa ra danh mục 21 dự án trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược, tác động đến các lĩnh vực ngành nghề, vùng và có tính khả thi, đảm bảo không ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, di sản thiên nhiên để kêu gọi đầu tư trong năm 2014 - 2015, trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực: du lịch, thương mại, dịch vụ 7 dự án; nông lâm nghiệp 8 dự án; công nghiệp chế biến, sản xuất 5 dự án; xây dựng 1 dự án. Cùng với danh mục dự án, hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cũng đang dần hoàn thiện. Hiện tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, nhất là 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện, các quy hoạch, kế hoạch chi tiết phát triển ngành, địa bàn, các đề án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời xây dựng danh mục các dự án của ngành, huyện làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với các sở, ngành và các huyện tham mưu để tỉnh trình Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, tạo cơ hội rộng mở cho các nhà đầu tư đến với Mộc Châu nói riêng và Sơn La nói chung.

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La.

Điện thoại: 02123859938 - Fax: 02123852032 - Email: skhdt@sonla.gov.vn 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Sở

Giấy phép hoạt động số: 10/GP-TTĐT ngày 12/10/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông

Designed by VNPT

 Chung nhan Tin Nhiem Mang