image banner
Thông báo - Mời họp
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Hướng dẫn pháp luật về đấu thầu

         Phúc đáp văn bản số 623/SKHĐT-ĐTTĐGS ngày 11/4/2024 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La về việc hướng dẫn về thẩm quyền thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng; nhiệm vụ, đồ án, đề án quy hoạch; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng nguồn kinh phí của dự toán mua sắm và thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ.

          Ngày 07/6/2024, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến tại Văn bản số 1254/QLĐT-CS hướng dẫn về pháp luật đấu thầu, theo đó: 

         1. Tính chất gói thầu

         Luật Đấu thầu (Điều 4 khoản 5 và khoản 33) quy định dịch vụ phi tư vấn là một hoặc một số hoạt động dịch vụ bao gồm: logistics, bảo hiểm, quảng cáo, nghiệm thu chạy thử, chụp ảnh vệ tinh; in ấn; vệ sinh; truyền thông; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng và hoạt động dịch vụ khác không phải là dịch vụ tư vấn quy định tại khoản 4 Điều này. Xây lắp gồm những công việc thuộc quá trình xây dựng và lắp đặt công trình, hạng mục công trình.

         Theo đó, chủ đầu tư, bên mời thầu cần căn cứ vào nội dung công việc cụ thể của gói thầu để phân loại gói thầu theo quy định nêu trên. Trường hợp nội dung công việc của gói thầu là cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng cho công trình như cắt cỏ lề đường, khai rãnh thoát nước ngang, rãnh thoát nước dọc, sơn sửa cọc tiêu, biển báo hiệu, kiểm tra, bảo dưỡng, sơn… thì đây là gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn; trường hợp nội dung công việc chủ yếu của gói thầu là thi công vá ổ gà, đắp rãnh dọc thoát nước, đắp lề đường, tưới nhựa mặt đường, sửa mái taluy… thì đây là gói thầu xây lắp.

         Ngoài ra, việc xác định gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, xây lắp đơn giản hay không cần căn cứ vào nội dung công việc, quy mô, tính chất, yêu cầu kỹ thuật cụ thể của từng gói thầu và thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

         2. Thẩm định đối với dự án hình thành từ dự toán mua sắm

         Điểm a khoản 2 Điều 126 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án đầu tư do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư, trừ các gói thầu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 78 của Luật Đấu thầu.

         Theo hướng dẫn tại Mẫu số 02A ban hành kèm Thông tư số 06/2024/TTBKHĐT ngày 26/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp hình thành dự án đầu tư đối với dự toán mua sắm và tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với dự án đầu tư thì tại Mục I (Mô tả tóm tắt dự án, dự toán mua sắm) chỉ cần giới thiệu khái quát thông tin về dự án theo hướng dẫn tại Mục I.1 mà không phải giới thiệu khái quát thông tin về dự toán mua sắm theo hướng dẫn tại Mục I.2. Trong trường hợp này, cần nêu rõ dự án đầu tư thuộc dự toán mua sắm (không phải là dự án đầu tư theo Luật đầu tư công, dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ). Thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt các nội dung trong đấu thầu thực hiện theo quy định như đối với dự án đầu tư (hình thức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn tại ghi chú (6) Mục V.1).

         Theo đó, trường hợp các dự án hình thành từ dự toán mua sắm thì thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt các nội dung trong đấu thầu (bao gồm cả việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu) thực hiện theo quy định như đối với dự án đầu tư (hình thức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn tại ghi chú (6) Mục V.1).

         3. Thuyết minh đối với gói thầu không quá 50 triệu đồng

         Theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Đấu thầu, đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật.

         Theo hướng dẫn tại Mẫu 2A ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TTBKHĐT, trường hợp nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng đã được thực hiện thì ghi vào phần công việc đã thực hiện tại Mục III; trường hợp nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu áp dụng quy trình nêu tại khoản 4 Điều 23 Luật Đấu thầu thì ghi vào phần công việc không áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu tại Mục IV; trường hợp gói thầu, nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu mà dự kiến hình thành gói thầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu theo các hình thức: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, chỉ định thầu, tự thực hiện, tham gia của cộng đồng, lựa chọn nhà thầu theo trường hợp đặc biệt, chào giá trực tuyến, mua sắm trực tuyến thì các gói thầu này thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu nêu tại Mục V. Trường hợp chủ đầu tư chưa dự kiến được gói thầu, nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng có thể phát sinh trong năm tài chính, năm ngân sách thì phần công việc này thuộc phần công việc chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu nêu tại Mục VI.

         Theo đó, việc mua sắm đối với gói thầu có giá không quá 50 triệu đồng thực hiện theo quy định nêu trên.

         4. Thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với sản phẩm, dịch vụ công

         Khoản 3 Điều 133 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định trong thời gian Chính phủ chưa sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn chi phí thường xuyên được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP nhưng không được trái với quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.

         Theo đó, trong thời gian Chính phủ chưa sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 32/2019/NĐ-CP thì việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công từ nguồn chi phí thường xuyên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và bảo đảm không trái quy định của Luật Đấu thầu.

         Trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 126 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

         5. Thẩm quyền quyết định việc mua sắm

         Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh là quyết định biện pháp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp; quyết định việc phân cấp cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh. Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định các nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1, các điểm d, đ và e khoản 2, các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 19 của Luật này và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

         Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 91 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, thẩm quyền quyết định việc mua sắm tài sản công tại cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 151/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

         Đối với mua sắm hàng hóa, dịch vụ không thuộc khoản 1 Điều 91 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, theo quy định tại điểm c, diểm d khoản 2 Điều 91 Nghị định này, thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định và được quyết định việc mua sắm đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá trị không quá 200 triệu đồng; thủ trưởng cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

         Theo đó, gói thầu mua sắm là tài sản công thì thẩm quyền quyết định mua sắm thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trường hợp mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc điểm c khoản 2 Điều 91 Nghị định số 24/2024/NĐ- CP, Hội đồng nhân dân tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc mua sắm.

         6. Về thẩm quyền lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

         Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 Luật Đấu thầu, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này.

         Theo quy định tại khoản 1 Điều 83 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với một hoặc một số trường hợp quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 29 của Luật Đấu thầu và quy trình lựa chọn tương ứng theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này để áp dụng chung cho các gói thầu thuộc phạm vi quản lý.

         Theo đó, trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân cấp tỉnh xem xét, quyết định một hoặc một số gói thầu quy định tại các điểm d, đ, e, g và h khoản 1 Điều 29 của Luật Đấu thầu và quy trình lựa chọn tương ứng theo quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 83 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP để áp dụng chung cho các gói thầu thuộc phạm vi quản lý thì các chủ đầu tư triển khai thực hiện theo quy trình được phê duyệt. Đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thực hiện lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và cần phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đơn vị thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 126 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

        7. Cập nhật giá gói thầu

         Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng), phí, lệ phí và thuế. Đối với gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh, chi phí dự phòng bao gồm cả các khoản tạm tính (nếu có) và chỉ được sử dụng khi có phát sinh xảy ra. Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện gói thầu ngắn, ít có khả năng phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa theo quy định của pháp luật (nếu có). Trường hợp pháp luật có quy định hàng hóa thuộc đối tượng được miễn thuế, miễn phí thì giá gói thầu không bao gồm các khoản thuế, phí được miễn. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì nêu rõ giá trị ước tính của từng phần.

         Theo đó, việc cập nhật giá gói thầu thực hiện thông qua điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp dự toán được duyệt sau khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ- CP.

          8. Phê duyệt quyết định việc mua sắm

         Khoản 1 Điều 92 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự toán mua sắm thực hiện theo quy trình quy định tại các Chương I, II, III, IV, V, VI và VII của Nghị định này, không phải trình, phê duyệt quyết định mua sắm.

         Khoản 2 Điều 38 Luật Đấu thầu quy định căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự toán mua sắm gồm: tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (nếu có); dự toán mua sắm; văn bản pháp lý có liên quan.

         Theo đó, đối với vấn đề nêu trong văn bản của Quý Sở, việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự toán mua sắm không phải trình, phê duyệt quyết định mua sắm.

         Ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu căn cứ vào những thông tin được cung cấp tại văn bản số 623/SKHĐT-ĐTTĐGS, không có tình tiết nào thêm; Quý Sở chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các thông tin tại văn bản nêu trên. Đề nghị Quý Sở nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

         Chi tiết văn bản mời xem tại đây./.

Tải về



Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ TÀI CHÍNH TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La.

Điện thoại: 02123859938 - Fax: 02123852032 - Email: skhdt@sonla.gov.vn 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Sở

Giấy phép hoạt động số: 10/GP-TTĐT ngày 12/10/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông

Designed by VNPT

 Chung nhan Tin Nhiem Mang