07/12/2015
Mô hình trồng sắn hiệu quả, bền vững
Tỉnh ta có diện tích trồng sắn khá lớn, khoảng hơn 30 nghìn ha mỗi năm. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn sử dụng các giống sắn địa phương năng suất thấp, chủ yếu sản xuất theo hướng độc canh, sử dụng phân bón chưa cân đối, chưa có biện pháp hữu hiệu trong canh tác đất dốc... dẫn đến diện tích đất trồng sắn bị thoái hóa, bạc màu; năng suất và hiệu quả kinh tế của cây sắn ngày càng giảm...
- Nông dân tham quan mô hình canh tác sắn bền vững tại bản Mai Quỳnh, xã Mường Bon (Mai Sơn).
Thay đổi nhận thức và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người trồng sắn theo hướng canh tác bền vững, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, trồng xen canh cây họ đậu hoặc tạo băng để chống xói mòn, hạn chế rửa trôi bề mặt, tăng độ phì cho đất, cải thiện môi trường sinh thái, là việc làm cần thiết cho sản xuất sắn ở tỉnh ta hiện nay. Năm 2015, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình Canh tác sắn bền vững tại tỉnh Sơn La.
Trung tâm khuyến nông tỉnh đã lựa chọn, triển khai 3 điểm mô hình canh tác sắn bền vững trên diện tích 31,5 ha, với 135 hộ nông dân tham gia, tại bản Nà Lời, xã Hua Trai (Mường La); bản Mai Quỳnh, xã Mường Bon và bản Há Sét, xã Nà Ớt (Mai Sơn). Sắn trồng trong mô hình là giống sắn KM94; cây trồng xen gồm giống lạc L14, lạc địa phương, đậu tương ĐT84. Với phương thức, hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% hom cây giống, 50% vật tư phân bón, được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về thâm canh cây sắn, kỹ thuật chăm sóc, trồng cây màu xen sắn; các hộ đóng góp 50% số phân bón, công chăm sóc. Trong quá trình thực hiện, cán bộ phụ trách mô hình thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát; tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật cho 135 nông dân thực hiện mô hình và 105 nông dân ngoài mô hình. Để tuyên truyền nhân rộng mô hình, Trung tâm đã tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ và tổng kết mô hình tại xã Mường Bon, Nà Ớt (Mai và xã Hua Trai (Mường La) với 150 người thuộc các hộ tham gia mô hình, cán bộ chính quyền địa phương và các hộ nông dân khác trên cùng địa bàn thực hiện mô hình nhằm đánh giá rút kinh nghiệm những ưu nhược điểm trong quá trình thực hiện, giúp người dân thấy được hiệu quả kinh tế mô hình đem lại đồng thời trao đổi, học tập kinh nghiệm trong việc chăm sóc và quản lý mô hình để áp dụng trong điều kiện sản xuất thực tế của gia đình. Ngoài ra, Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông, lãnh đạo cơ quan chủ trì dự án và chính quyền địa phương cũng thường xuyên kiểm tra mô hình tại các thời điểm: Trồng, sau khi cây mọc mầm, chăm sóc, trước thu hoạch cây trồng xen, trước thu hoạch cây sắn...
Kết quả mô hình trình diễn cho thấy: tại 3 điểm thực hiện mô hình trồng sắn KM94 có xen canh cây lạc, đậu tương, năng suất sắn củ tươi đạt trung bình 30 tấn/ha, trong khi sắn trồng đại trà năng suất trung bình 25 tấn/ha; đối với cây trồng xen canh, năng suất cây trồng xen (lạc và đậu tương) đạt từ 25-28 tạ/ha, ngoài ra còn cho năng suất chất xanh (thân, lá, rễ) đạt trung bình 43 tạ/ha góp phần cung cấp nguồn hữu cơ cải tạo đất. Hiệu quả kinh tế cho lãi dòng trung bình hơn 38,8 triệu đồng/ha; vượt hơn sản xuất sắn đại trà trung bình hơn 25,5 triệu đồng/ha.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình canh tác sắn bền vững còn mang lại hiệu quả đáng kể về môi trường và xã hội, đó là góp phần hạn chế xói mòn, rửa trôi, bảo vệ tài nguyên đất, góp phần tạo việc làm cho người lao động tại địa phương. Thông qua mô hình, nông dân có cơ hội tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, bảo quản nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác; đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng nguyên liệu sắn bền vững, phục vụ cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh.
Theo baosonla.org.vn