Thông báo - Mời họp
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Xây dựng và phát triển Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và cấp huyện (DDCI).
          Ngày 20.01.2022, VCCI đã tổ chức Tọa đàm về xây dựng và phát triển bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện (DDCI). Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

         Mặc dù đã được kiểm chứng về tính lan tỏa và đem lại những giá trị tích cực trong cải cách hành chính, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay, bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện (DDCI) – Liệu có cần một mô hình thống nhất toàn quốc? Bởi thực tế hiện nay, việc đánh giá bộ Chỉ số này, giữa các địa phương vẫn đang có sự khác biệt.

Tọa đàm về xây dựng và phát triển bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện - Ảnh: ANH KHÔI

         Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Phạm Ngọc Thạch – Phó trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực tế việc áp dụng công cụ DDCI có những tỉnh thực hiện rất thành công tạo sự lan tỏa, thế nhưng, bên cạnh đó, cũng có một số tỉnh lại gặp khó khăn trong việc triển khai. Nguyên nhân do đây là cách tiếp cận mới nên dễ vấp phải những phản ứng từ các đối tượng thuộc diện bị đánh giá, đặc biệt là tính bền vững của hoạt động với các vấn đề như tài chính và nhân lực.

         “Do vậy, cần có một bộ quy trình chuyên nghiệp, hiệu quả, công khai, minh bạch đảm bảo khoa học để sau này tiến tới công bố kết quả, và từ kết quả này có thể tạo ra sức lan tỏa thực tế cho xã hội.

         Đặc biệt, khi thực hiện công cụ DDCI để đánh giá, cần đảm bảo được sự đồng thuận của xã hội, cùng thúc đẩy vì một mục tiêu chung”, ông Thạch cho hay.

         Còn theo ông Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, về thể chế cũng đã có những khuyến nghị đưa DDCI vào đánh giá để tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị, và nhiều tỉnh cũng bắt đầu nhận thấy những tính tích cực, hiệu quả từ việc áp dụng bộ chỉ DDCI, vì vậy, việc thuyết phục lãnh đạo các địa phương đưa bộ Chỉ số này vào áp dụng đánh giá các sở, ngành và các huyện là không phải khó.

         “Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là làm sao để bộ chỉ số này phát huy tối đa sự hiệu quả”, ông Bắc chia sẻ.

         Theo ông Bắc, DDCI không phải công cụ làm cho có, cho sang, và cũng không phải để sát phạt mà là công cục kích hoạt sự tương tác giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, từ đó tạo ra sự phát triển, về phía cơ quan Nhà nước, thông qua những đánh giá của bộ Chỉ số này có thể tự soi được lại hoạt động của mình, còn doanh nghiệp cũng sẽ tự ý thức được việc làm của mình.

         “Vì vậy, các đơn vị đánh giá bộ Chỉ số này cần là cơ quan độc lập như các Hiệp hội doanh nghiệp, bởi về mặt kỹ thuật DDCI rất đơn giản, chỉ cần địa phương hóa những chỉ tiêu, chỉ số theo đúng nhu cầu của địa phương, không nhất thiết cần phải có sự giống nhau, có thể 6 hoặc 8 chỉ tiêu”, ông Bắc nêu quan điểm.

         Ông Lê Duy Bình – Giám đốc Công ty Economica Việt Nam thì cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương rất đa dạng, về nhu cầu và tính tương tác với chính quyền khác nhau. Vậy nên, DDCI không nhất thiết phải giống PCI, việc đánh giá bộ Chỉ số này cũng cần có hướng dẫn thống nhất để địa phương có thể hiểu được một cách đồng nhất, tránh để các sở ban ngành và địa phương khó áp dụng.

         Trong đó, theo ông Bình, để đánh giá quận, huyện cũng cần phân tích chuyên sâu theo từng lĩnh vực cụ thể như: Công Thương, Địa chính, Tài nguyên, Môi trường,… cần có sự bóc tách một cách rõ ràng bởi khi bóc tách ra điểm số sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, khi đã để doanh nghiệp đánh giá chính quyền, chúng ta cũng cần có những giải thưởng để chính quyền đánh giá ngược lại cho doanh nghiệp như: doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững,… từ đó tạo thêm sự khích lệ, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp.

         Về phía Sơn La, Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Phó BQL dự án DDCI tỉnh Sơn La được mời tham gia phát biểu cho rằng: nên triển khai thống nhất trên Toàn quốc một mô hình tổ chức áp dụng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện.Tuy nhiên, cũng cần tính đến yếu tố: mỗi tỉnh, mỗi vùng miền có những điều kiện riêng nên khi thiết kếbộ câu hỏi, phương pháp luận cho các nhóm tỉnh cũng nên có sự điều chỉnh cho phù hợp. Về đầu mối đánh giá nên quy về một đơn vị độc lập để thể hiện tính minh bạch, khách quan. Về kinh phí sẽ tiết kiệm ngân sách và thể hiện cách làm đồng bộ, thống nhất và chuyên nghiệp hơn.

         Ngoài ra, đại diện của một số tỉnh, thành phố cũng nêu quan điểm, cụ thể như theo ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, DDCI không được tách rời PCI bởi các sở ban ngành và các huyện là đơn vị trực tiếp, khi doanh nghiệp đánh giá PCI cũng sẽ tác động đến chỉ số DDCI, nên cần chọn một cơ quan độc lập để đánh giá, tránh sử dụng cơ quan thuộc diện bị đánh giá.

         Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng, nên giao DDCI về cho Hiệp hội doanh nghiệp làm đầu mối đánh giá, bởi như vậy, doanh nghiệp sẽ có những công cụ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và sẽ thuận lợi trong việc thực hiện.

Tin khác
1 2 

BẢN QUYỀN THUỘC VỀ SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH SƠN LA 

Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà 9 tầng - Khu Trụ sở HĐND-UBND-UBMTTQVN tỉnh và một số Sở, ban, ngành của tỉnh, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La.

Điện thoại: 02123859938 - Fax: 02123852032 - Email: skhdt@sonla.gov.vn 

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Sở

Giấy phép hoạt động số: 10/GP-TTĐT ngày 12/10/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông

Designed by VNPT

 Chung nhan Tin Nhiem Mang